Gia sư 115 xin nêu Tư thế ngồi học và cầm bút đúng cách đối với trẻ em. Mẹ cần rèn luyện cho con tư thế ngồi học đúng và cách cầm bút chuẩn ngay từ đầu. Việc rèn cho con tư thế ngồi học, cách cầm bút đúng ngay từ đầu rất quan trọng. Bởi tư thế ngồi học tác động trực tiếp tới khung xương, cột sống của trẻ.
Nếu trẻ duy trì tư thế ngồi học sai cách trong thời gian dài, thì lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù và bụng phình ra phía trước. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Do đó, hãy dạy con tư thế ngồi học đúng ngay từ những ngày đầu tiên.
Tư thế ngồi học đúng
- Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó.
- Khoảng cách từ mắt đến vở 25-30 cm.
- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi.
- Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi.
- Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.
- Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang. Độ cao và của bàn và ghế phải phù hợp với trẻ.
Cách cầm bút đúng cách
- Cầm bằng 3 ngón: ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa. Dùng ngón cái và ngón trỏ giữ 2 bên thân bút. Ngón giữa đỡ lấy bút.
- Không cầm bút dựng đứng 90o mà để nghiêng về phía vai phải một góc khoảng 60o
- Lòng bàn tay và cánh tay làm thành một đường thẳng.
- Khoảng cách giữa các đầu ngón tay và ngòi bút là 2,5cm.
- Dùng mép bàn tay làm điểm tựa của cánh tay phải khi viết.
- Cầm bút xuôi theo chiều ngồi.
- Viết nhẹ nhàng, không ấn hoặc đè mạnh xuống giấy
- Khi dùng viết chì để dạy trẻ cách cầm bút, cần chuẩn bị đầu chì nhọn đúng tầm vì nếu quá nhọn sẽ dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá lớn, nét chữ quá to, chữ viết ra xấu.
Cong vẹo cột sống khi ngồi viết sai tư thế
- Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.
- Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi.
- Một số nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy, cong vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh. Nếu chỉ tính riêng vẹo cột sống vùng ngực, tỷ lệ tử vong tăng cao gấp 5 lần, 40% bệnh nhân bị đau lưng, 10% bị các triệu chứng về tim phổi, 25% bị tàn tật với những biến dạng khác.
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, trong đó 90% trường hợp cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học đã xác định được một số nguyên nhân gây cong vẹo cột sống là do bệnh cơ, do bệnh thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, do loạn dưỡng xương, do chấn thương…
- Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém, bắt buộc học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế).
Nhận biết bị cong vẹo cột sống
- Khi bị vẹo cột sống, trẻ sẽ có các dấu hiệu bất thường như sau: Gai đốt sống không thẳng hàng; dốc hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao; phần xương bả vai nhô ra bất thường; khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau; tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp rộng không giống nhau; khi cột sống bị xoáy vặn khiến xương sườn lồi lên, thăn lưng mất cân đối.
- Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.
Phòng chống cong vẹo cột sống
- Để đảm bảo tư thế ngồi học đúng cách, nhà trường, gia đình cần trang bị bộ bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể học sinh.
- Cần nhắc nhở để tạo thói quen ngồi đúng tư thế: Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ, nên để cạnh trước của mặt ghế ăn sâu vào cạnh sau mặt bàn 5 cm, lưng có thể tựa vào lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn.
- Cần tạo cho trẻ có thói quen ngồi học đúng tư thế. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.
- Nơi học tập ở trường phải đảm bảo ánh sáng từ 300lux trở lên. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em để đảm bảo ánh sáng tốt hơn.
- Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
- Học sinh không nên ngồi học, xem ti vi quá lâu, giữa các giờ học (khoảng 35-45 phút) phải có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm gánh nặng thể chất, tăng cường hoạt động vận động ngoài trời.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn, nhất là các bữa chính. Đặc biệt cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều can- xi và vitamin D, đây là các yếu tố giúp cho sự phát triển của xương trong giai đoạn phát triển.
- Việc khám cong vẹo cột sống định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách điều trị kịp thời.
Trả lời